Chào chuyên gia, hiện nay, nhiều người có thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau tây y. Mặc dù, bác sĩ khuyến cáo khoảng cách giữa các lần uống thuốc tối thiểu là 4 giờ nhưng nhiều người vẫn sử dụng với liều cao, khoảng cách ngắn hơn. Tình trạng này khiến nguy cơ bị ngộ độc hoặc gặp phải tác dụng phụ của thuốc giảm đau tăng cao. Vậy xin chuyên gia cho biết, cụ thể lạm dụng thuốc giảm đau tây y có thể gây tác hại gì? Tại sao giai đoạn đầu dùng có hiệu quả nhưng sau đó tác dụng lại giảm dần? Cảm ơn chuyên gia!
Trả lời:

Chuyên gia trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Khi bị đau nhức, người bệnh cần đến khám để chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức và có phương pháp điều trị phù hợp. Theo tây y, người bệnh có thể phải dùng một số loại thuốc giảm đau.

Nhóm thuốc giảm đau thứ nhất và phổ biến hơn cả là thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen, diclofenac, naproxen, piroxicam,... Các loại thuốc này có thể đem đến tác dụng giảm đau sau khi sử dụng 15-30 phút, nhưng chỉ được dùng từ 7 - 10 ngày và phải uống khi no. Bởi chúng gây tác dụng phụ trên dạ dày tá tràng có thể dẫn đến viêm loét, thậm chí xuất huyết. Ngoài ra, lạm dụng thuốc giảm đau tây y có thể dẫn đến tăng men gan, rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến chức năng bạch cầu,... Do vậy, người bệnh không được sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Nhóm thuốc giảm đau thứ hai là nhóm opioid bao gồm codein, morphin,... có thể được kết hợp với paracetamol. Nhóm này cần được bác sĩ cân nhắc khi chỉ định sử dụng bởi có thể gây nhờn thuốc, lệ thuộc vào thuốc, có khi phải gắn bó suốt đời với thuốc. Nhóm thuốc giảm đau này thường được dùng ở người bệnh ung thư dưới sự quản lý chặt chẽ của bác sĩ.

Nhóm thuốc giảm đau thứ ba là nhóm thuốc bổ sung cho các trường hợp bị trầm cảm, đau liên quan đến thần kinh nhưng đều được kiểm soát chặt chẽ bởi bác sĩ.

Nếu sử dụng các thuốc giảm đau tây y thường xuyên sẽ dẫn đến nhờn thuốc nên bắt buộc người bệnh phải tăng liều, dẫn đến tăng tác dụng phụ, tăng độc tính rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp, bệnh đau nhức chưa khỏi đã phải chữa thêm bệnh đau dạ dày. Do vậy, gần như “bất đắc dĩ” mới phải sử dụng.

Trước thực trạng đó, xu hướng tìm kiếm giải pháp giảm đau thảo dược an toàn là mong muốn của nhiều người.

Chúc bạn sức khỏe!

Chuyên gia Hồ Bá Do