Chào chuyên gia, tôi 65 tuổi, mấy tháng trước bị zona thần kinh vùng cánh tay. Đợt đó tôi đã mua thuốc và điều trị khỏi, nhưng dạo gần đây tôi thường xuyên bị đau nhức tại vùng da đó, có khi cơn đau lan lên cả vùng đầu rất khó chịu. Chuyên gia cho tôi hỏi liệu tôi có phải bị tái phát đau sau zona thần kinh không? Tình trạng này có thể thường gặp ở những đối tượng nào và cách cải thiện ra sao ạ? Cảm ơn chuyên gia! (Nguyễn Linh, Nam Định).
Trả lời:

Chào Nguyễn Linh. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với những thắc mắc trên chúng tôi xin được giải đáp như sau: 

Đau sau zona thần kinh là gì?

Bệnh zona thần kinh là tình trạng phồng rộp da có liên quan đến hoạt động của virus varicella - zoster. Một số trường hợp có thể nhiễm virus từ lúc nhỏ hoặc thời thiếu niên mãi về sau mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh zona thần kinh hoặc thủy đậu.

Tình trạng cơn đau của bệnh zona thần kinh không biến mất sau khi phát ban và mụn nước đã lành được gọi là đau dây thần kinh sau zona. Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh và xảy ra do dây thần kinh bị tổn thương sau khi virus tấn công. Nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể bị đau kéo dài trong nhiều năm hoặc thậm chí trở thành đau mạn tính. Thống kê cho thấy, khoảng 20% người bệnh zona bị đau dây thần kinh sau khi mắc bệnh. 

Dấu hiệu nhận biết đau sau zona thần kinh 

Các dấu hiệu phổ biến của chứng đau sau zona thần kinh thường ba gồm: 

- Cơn đau xuất hiện dữ dội và kéo dài từ 1 đến hơn 3 tháng ở tại vị trí đã phát bệnh zona thần kinh mặc dù mụn nước và phát ban đã lành hẳn. 

- Da có cảm giác nóng rát tương tự như bị bỏng. 

- Cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. 

- Cảm giác đau nhói liên tục hoặc ngứa, tê ở vị trí bị bệnh.

- Nếu bệnh phát triển ở dây thần kinh kiểm soát vận động cơ bắp, người mắc có thể bị yếu cơ hoặc tê liệt dẫn đến khó khăn khi thực hiện một số hoạt động hàng ngày. 

Các yếu tố nguy cơ gây đau sau zona thần kinh

Các chuyên gia cho biết, không phải tất cả người mắc zona đều bị tổn thương dây thần kinh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng này đó là:

- Độ tuổi: Tuổi tác là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng đau dây thần kinh sau zona. Người trên 60 tuổi thường có nguy cơ cao gặp phải biến chứng này, đặc biệt người trên 70 tuổi có nguy cơ cao gấp đôi so với bình thường. 

- Mức độ nghiêm trọng của bệnh zona thần kinh: Người bệnh xuất hiện các cơn đau cấp tính và phát ban nghiêm trọng khi mắc bệnh zona thường có nguy cơ cao tổn thương dây thần kinh. 

- Hệ miễn dịch: Người bệnh có hệ thống miễn dịch kém thường có nguy cơ gặp phải biến chứng đau dây thần kinh sau zona cao hơn người bình thường. 

Biện pháp điều trị và giảm đau khi đau sau zona thần kinh

Thông thường để chẩn đoán tình trạng tổn thương các dây thần kinh sau zona, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng và thời gian phát bệnh. Việc điều trị thường bao gồm các biện pháp như:

1. Cách giảm đau tại nhà

Một số biện pháp tự nhiên có thể mang lại hiệu quả cải thiện cơn đau tại nhà bao gồm: 

- Bổ sung nhiều vitamin C. 

- Châm cứu và sử dụng các loại thảo dược giảm đau tự nhiên. 

- Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi để tránh ma sát. 

- Chườm lạnh để làm mát và dịu cơn đau. 

2. Điều trị bằng thuốc 

Điều trị bằng thuốc thường nhằm mục đích kiểm soát và cải thiện cơn đau, các loại thuốc phổ biến được sử dụng bao gồm: Thuốc giảm đau (Ibu-pro-fen, Na-pro-xen,...); Thuốc chống co giật (Ga-ba-pen-tin, Phe-ny-to-in, Pre-ga-ba-lin,... ); Cor-ti-co-ste-ro-id; Thuốc chống trầm cảm ba vòng (Nor-trip-ty-line, Ami-trip-ty-line, Imi-pra-mine,... )