Thưa chuyên gia, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tủ thuốc của mỗi gia đình đều dự trữ một số loại thuốc giảm đau tây y thông thường như paracetamol, ibuprofen,... Tuy nhiên, nếu sử dụng các thuốc này thường xuyên hoặc sai cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Vậy trong tây y có các loại thuốc giảm đau nào và chúng có thể gây tác dụng phụ gì đến sức khỏe? Người bệnh cần chú ý những gì khi sử dụng các loại thuốc giảm đau này? Mong chuyên gia giải đáp!
Trả lời:

Trả lời:

Nói về thuốc giảm đau hiện nay rất phong phú. Bởi triệu chứng đau khiến người mắc rất khó chịu nên ai cũng tìm cách để cắt cơn đau hoặc giảm thiểu cơn đau, đặc biệt là chứng đau bán cấp và đau mạn tính. 

Đối với cắt cơn đau hiện nay, có một số loại thuốc thường áp dụng trong điều trị chấn thương ngoại khoa, chỉ sử dụng trong bệnh viện như novocain, lidocain,... còn trong tủ thuốc gia đình thì không có. Thuốc có tác dụng phong bế ngay quá trình nhận các kích thích đau từ phía ngoại vi dẫn về trung tâm. Ngoài ra, còn một loại giảm đau trung ương khác đó là morphin, trong tủ thuốc gia đình cũng không có. Đây là thuốc cắt cơn đau rất đặc hiệu và nhanh, bởi nó hoạt động dựa theo phương thức làm nâng cao ngưỡng chịu đau của cơ thể, bất hoạt acetylcholin - một chất kích thích tiết chất trung gian hóa học gây đau. Do vậy, trong nhiều trường hợp bị đau cấp tính hoặc đau dai dẳng kéo dài, bác sĩ bắt buộc phải lựa chọn phương pháp giảm đau này, mặc dù biết morphin giống như “con dao hai lưỡi”. Khi dùng morphin, nhẹ nhất sẽ gây cảm giác buồn ngủ, đối với người bị rối loạn hô hấp có thể ức chế hô hấp, rối loạn nhịp thở, kích hoạt cơn hen, giảm nhu động ruột nên dẫn đến táo bón, lâu dài sẽ làm tổn thương gan, thận. Đặc biệt, do có tác dụng nhanh và mạnh nên rất dễ gây nghiện thuốc, rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan.  

Đối với các thuốc giảm đau có trong tủ thuốc gia đình hiện nay, thường là nhóm non-steroid như paracetamol. Đây là loại thuốc sử dụng được cho cả người già và trẻ em với liều thích hợp, thậm chí cả phụ nữ mang thai nếu có chỉ định. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế tiết prostagladin - chất gây đau. Tuy thuốc lành tính nhưng nếu không sử dụng đúng cách có thể làm tăng tính độc, tiềm ẩn nguy cơ khá cao về tác dụng phụ ví dụ như khi sử dụng cùng rượu, bia hoặc một số loại thuốc khác. Nguyên nhân là do thuốc giảm đau paracetamol khi được đưa vào cơ thể sẽ chuyển hóa ở gan. Với liều cho phép thì quá trình chuyển hóa sẽ diễn ra bình thường. Nhưng nếu người bệnh sử dụng quá mức, gan không chuyển hóa kịp có thể dẫn đến suy tế bào gan, nặng hơn nữa là hủy hoại tế bào gan không hồi phục. 

Với thuốc giảm đau ibuprofen hiện nay cũng đang được rất nhiều người tin tưởng sử dụng, bên cạnh những ưu điểm thì vấn đề lo ngại nhất đó là tác dụng phụ trên niêm mạc dạ dày, đặc biệt là những người có tiền sử mắc bệnh dạ dày - tá tràng. Thuốc có thể gây những tác dụng phụ nhẹ như nôn, buồn nôn, đau bụng,... nặng sẽ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Nếu dùng kéo dài, lạm dụng thì có thể gây biến chứng về hô hấp, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,... Do vậy, chúng tôi khuyến cáo phải rất thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai, đặc biệt là ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Đối với những nhóm thuốc này, người sử dụng cần chú ý những mặt trái và tác dụng phụ để mang lại hiệu quả tốt nhất.