Zona thần kinh là bệnh lý không còn lạ lẫm với nhiều người. Một trong những biến chứng nguy hiểm mà người mắc bệnh có thể gặp phải đó là tình trạng đau sau zona dai dẳng, kéo dài, uống thuốc giảm đau cũng không cải thiện được. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và đâu là giải pháp an toàn, hiệu quả để khắc phục? Mời bạn đọc cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Tìm hiểu về biến chứng đau sau zona thần kinh
Hàng năm, tỷ lệ mắc zona thần kinh lên tới 1,5 - 3%, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người già và trung niên, thường sau 45 tuổi. Khi mắc bệnh, đa số các trường hợp đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị đúng phác đồ thường muộn hơn 72 giờ. Ở giai đoạn này, virus đã xâm nhập và gây tổn thương đến các rễ và dây thần kinh. Chính vì vậy mà tỷ lệ người mắc sau khi điều trị khỏi bệnh zona nhưng vẫn còn di chứng đau thần kinh khá cao. Các triệu chứng bao gồm đau nhức, rát bỏng vùng da bị zona. Đây là di chứng đáng lo ngại nhất của bệnh zona khiến người mắc mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ kéo dài và trở thành căn nguyên hình thành nhiều bệnh lý khác. Tỷ lệ gặp phải biến chứng đau nhức vùng da sau khi bị zona thần kinh ở người lớn tuổi chiếm khoảng 1/3 số người mắc bệnh.
Tại sao hết tổn thương ở da rồi mà vẫn còn đau sau zona?
Virus gây bệnh zona thần kinh tên là Herpes zoster (đây cũng chính là loại virus gây bệnh thủy đậu) có cấu tạo protein đặc biệt giúp nó dễ dàng gắn vào đầu dây thần kinh cảm giác dưới da. Đặc tính biến đổi loại protein của virus này tạo nên sự khác biệt với các loại virus khác đó là khả năng xâm nhập và di chuyển dọc theo hệ thần kinh và sử dụng tổ chức thần kinh như “một ngôi nhà”. Chúng trú ngụ trong đó và có thể gây nên những tổn thương hệ thần kinh nghiêm trọng nếu như không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Khi có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là ở đối tượng người già, người suy giảm sức đề kháng, người hay bị stress hay làm việc lao động quá sức, virus này đã ẩn sẵn ở hạch thần kinh trở nên hoạt động gây những tổn thương ở da và dây thần kinh cảm giác dưới da. Biểu hiện là tình trạng nổi đỏ, ngứa, đau nhức, mủ trắng (nếu như có bội nhiễm vi khuẩn). Bệnh rất dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh “giời leo”, “kiến ba khoang” hay một số loại côn trùng khác gây ra. Do sự nhận biết sai về biểu hiện bệnh mà loại virus này có cơ hội tiến triển, tấn công hệ thần kinh khiến rất nhiều người đã phải chịu đựng những cơn đau thần kinh khủng khiếp, thậm chí là đau mạn tính sau khi bệnh đã khỏi.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là hình thành từ sự kết hợp của những cơ chế gây đau sau:
1. Đau do thụ cảm thể
Tại da, niêm mạc, dây thần kinh tồn tại rất nhiều các thụ cảm thể, bệnh zona thần kinh gây tổn thương đến các bộ phận này, làm kích hoạt các thụ cảm thể truyền tín hiệu đau cho não bộ thông báo cho cơ thể biết cảm giác đau nhức.
2. Đau do nguyên nhân thần kinh
Virus tấn công hệ thần kinh làm phá hủy lớp vỏ bao bọc bên ngoài, khiến các xung điện phóng không kiểm soát, rò rỉ ra ngoài gây triệu chứng đau nhói như điện giật, kéo dài dai dẳng và tái phát nhiều lần.
Các chuyên gia cho rằng, những tổn thương để lại trên hệ thần kinh là vô cùng nghiêm trọng và rất khó kiểm soát về sau. Tùy từng trường cụ thể, cơn đau dai dẳng sau zona có thể kéo dài đến 3 tháng sau khi vết thương trên da đã lành, thậm chí có thể dẫn đến đau mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm sau đó.
Hiện nay, để điều trị tình trạng đau sau zona, người bệnh có thể được kê một số loại thuốc như thuốc giảm đau thần kinh, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc nhóm opioids,... Bên cạnh tác dụng cải thiện cơn đau, việc duy trì sử dụng các nhóm thuốc này trong thời gian dài có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như nhờn thuốc, phản tác dụng khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn hay thậm chí là ngộ độc thuốc, ảnh hưởng đến tính mạng. Do vậy, thực trạng cho thấy vấn đề khắc phục cơn đau sau zona thần kinh vẫn còn nhiều khó khăn.