Đau đầu sau khi ngủ dậy là một trong những triệu chứng nhiều người mắc phải. Thông thường họ hay lo lắng rằng đây liệu có phải là dấu hiệu của bệnh lý gì nguy hiểm. Vậy bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp bạn nguyên nhân gây nên tình trạng trên và các biện pháp giảm đau an toàn, hiệu quả với những trường hợp này nhé!
7 lý do khiến bạn bị đau đầu sau khi ngủ dậy
Ngủ sai tư thế
Việc ngủ sai tư thế như: Đầu không thẳng với cổ, ngủ kê gối cứng và quá cao, nằm nghiêng hoặc nằm úp mặt một chỗ mà không thay đổi tư thế sẽ gây ra tình trạng thức dậy với cơn đau đầu mệt mỏi.
Ngoài ra, đối với những người làm công việc văn phòng, thường có thói quen ngủ trưa gục đầu xuống bàn cũng gây ra hiện tượng đau đầu sau khi ngủ dậy. Bởi khi ngủ với tư thế ngồi, tình trạng máu không lưu thông đến não dẫn đến hiện tượng thiếu máu lên não, có thể làm acid hóa tạm thời môi trường xung quanh khu vực này gây đau đầu, ù tai, tê bì chân tay….
Môi trường
Ngủ trong môi trường quá ồn ào hoặc chật hẹp, không thoáng đãng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng đau đầu sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến cường độ ánh sáng trong phòng ngủ. Ánh sáng có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất ra melatonin – một loại hormone có tác dụng điều khiển giấc ngủ và giúp bạn ngủ ngon hơn. Ánh sáng mạnh trong khi ngủ sẽ giảm sản xuất ra loại hormone này. Vì thế, một không gian thoáng đãng, tối và yên tĩnh là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tình trạng đau đầu sau khi ngủ dậy.
Sử dụng chất kích thích
Nhiều người thường có thói quen uống trà, cà phê trước khi đi ngủ khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ hơn, bởi lượng cafein chứa trong những thực phẩm này vừa là chất kích thích làm bạn tỉnh táo, vừa có tính lợi tiểu nên khiến bạn phải đi tiểu nhiều lần trong đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Đặc biệt, nếu bạn sử dụng rượu bia sẽ gây ra sự xáo trộn lớn với giấc ngủ, khiến bạn ngủ không sâu giấc, sau khi tỉnh sẽ thấy mệt mỏi và là nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu sau khi ngủ dậy.
Tâm lý
Căng thẳng, áp lực và stress cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến một giấc ngủ không sâu vào ban đêm. Do đó, hãy ngừng suy nghĩ tiêu cực, cố gắng dẹp bỏ những căng thẳng trong ngày và tham gia hoạt động vui chơi, thư giãn để có một giấc ngủ sâu hơn.
Thiếu máu não
Nếu tình trạng đau đầu sau khi ngủ dậy của bạn không đến từ những nguyên nhân trên thì rất có thể bạn đang bị bệnh thiếu máu não mà không hề hay biết. Đây là tình trạng lượng máu lên não bị suy giảm dẫn đến không cung cấp đủ oxy và các dưỡng chất cho các hoạt động của não, dẫn đến hiện tượng đau đầu, mệt mỏi.
Bên cạnh triệu chứng đau đầu, thiếu máu não có thể khiến bạn bị chóng mặt, trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc vào ban đêm, ngày ngủ gà ngủ gật, đôi khi gây mất thăng bằng và suy giảm trí nhớ. Nếu để lâu ngày, bệnh có thể làm ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh khiến các xung điện không được dẫn truyền chính xác và gây ra cơn đau đầu mạn tính.
Để phòng ngừa và điều trị thiếu máu não, bạn nên bổ sung thêm các chất tốt cho tuần hoàn máu như trứng, sữa, thịt, cá,… và các hoạt chất từ thiên nhiên để cải thiện lượng máu lên não, giảm tình trạng đau đầu sau khi ngủ dậy.
Sử dụng thiết bị điện tử
Làm việc trên máy vi tính, laptop, nghe gọi, nhắn tin trên điện thoại quá lâu trước khi đi ngủ cũng là nguyên nhân khiến bạn khó ngủ và gây ra những cơn đau đầu khi ngủ dậy.
Thời gian ngủ quá mức cho phép
Các chuyên gia đánh giá rằng: "Thông thường một giấc ngủ được cho là đảm bảo tiêu chuẩn nên kéo dài từ 7-8 tiếng vào ban đêm và 30 đến 60 phút vào buổi trưa. Tuy nhiên, có những trường hợp thời gian ngủ vượt quá mức cho phép. Cơ thể sẽ từ trạng thái ngủ nông đi vào ngủ sâu. Trong giai đoạn này, quá trình ức chế của trung khu thần kinh tăng lên, lượng máu lên não giảm, sự trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại. Vì vậy, khi thức dậy bạn sẽ cảm thấy toàn thân mệt mỏi, đau đầu và chóng mặt."