Đau đầu vận mạch (hay còn gọi là đau nửa đầu migraine) là bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống nếu không được quan tâm điều trị đúng cách. Một số người bệnh lựa chọn phương pháp châm cứu để cải thiện cơn đau nhức. Vậy cụ thể đau đầu vận mạch có châm cứu được không và cần lưu ý những gì? Mời bạn cùng theo dõi!
Tìm hiểu về bệnh đau đầu vận mạch
Khi bị đau đầu vận mạch, người bệnh sẽ có cảm giác đau đầu dai dẳng, co thắt từng cơn liên hồi. Cơn đau thường kéo dài từ 4 - 72 giờ, xuất phát từ vùng thái dương lan đến vùng trán, đỉnh đầu hay sau gáy. Người bệnh có thể đau 1 bên hay 2 bên đầu và thường có cảm giác giật nhói theo nhịp mạch đập, đặc biệt là hai bên thái dương và vùng trán. Lúc này, người bệnh thường nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn bởi các yếu tố này sẽ làm cơn đau nặng hơn.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tác động của áp lực, stress thường xuyên làm sản sinh vô số gốc tự do - đây được xem là một trong những yếu tố làm khởi phát chứng đau đầu vận mạch. Tại não, gốc tự do sinh ra liên tục, lắng đọng ở thành mạch máu, thúc đẩy quá trình xơ vữa, làm hẹp lòng động mạch, cản trở máu dẫn oxy về nuôi não. Bên cạnh đó, gốc tự do và các hóa chất trung gian sinh ra trong quá trình chuyển hóa ở não làm gia tăng hoạt động của bạch cầu, khởi phát quá trình viêm, sản sinh chất gây giãn mạch. Những cơ chế phức tạp này làm rối loạn vận mạch, khiến mạch máu não giãn nở, biến đổi bất thường, dẫn đến đau đầu.
Đau đầu vận mạch có châm cứu được không?
Đau đầu vận mạch là căn bệnh khó điều trị triệt căn, chủ yếu tập trung kiểm soát và phòng ngừa cơn đau tái phát. Nhiều người thắc mắc bị đau đầu vận mạch có châm cứu được không? Để trả lời được câu hỏi trên mời bạn đọc cùng tìm hiểu kỹ lưỡng về phương pháp này.
Châm cứu là một trong những phương pháp có từ rất lâu đời, tập trung vào kích thích những huyệt đạo trên cơ thể. Y học cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng phương pháp này trong điều trị đau nửa đầu và các bệnh khác hàng nghìn năm nay. Phương pháp này bắt nguồn từ châu Á nhưng ngày nay, các nước trong khu vực châu Âu cũng sử dụng rất nhiều. Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng kim để châm vào những điểm khác nhau trên cơ thể. Sau khi châm cứu, người bệnh được thả lỏng cơ thể và cảm thấy thư giãn đầu óc. Những cơn đau nửa đầu cũng dần tan biến do quá trình châm cứu có tác dụng ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, tăng cường lưu thông mạch máu. Châm cứu là phương pháp tương đối an toàn nếu được tiến hành bởi sự chỉ dẫn của chuyên gia. Tuy nhiên, khi thực hiện châm cứu cũng có nguy cơ xảy ra một số tác dụng không mong muốn như:
+ Đau nhức, chảy máu hoặc bầm tím tại chỗ kim châm.
+ Tổn thương cơ quan nội tạng nếu đẩy kim quá sâu.
+ Nguy cơ nhiễm trùng hay các bệnh truyền nhiễm nếu tái sử dụng kim châm.
+ Cảm giác nặng nề, tê hoặc ngứa ran.
Do đó, giới chuyên gia cho rằng, tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn điều trị đúng phương pháp, chứ không phải trong trường hợp nào cũng dùng được cách châm cứu. Nếu không cẩn thận sẽ gây ra những tác dụng phụ khôn lường.
Lưu ý khi chữa đau đầu vận mạch bằng châm cứu
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, khi áp dụng phương pháp châm cứu, bạn cần lưu ý những điều sau:
Không nên lạm dụng châm cứu
Châm cứu là cách để giảm đau nhức, mệt mỏi hiệu quả trong nhiều trường hợp bị đau đầu vận mạch. Tuy nhiên, việc lạm dụng phương pháp này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh da liễu như chảy máu, tổn thương và nhiễm trùng tại vùng châm kim.
Không nên tự ý châm cứu
Bất cứ phương pháp nào cũng phải có sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ thì mới đảm bảo an toàn cũng như đem lại hiệu quả cao. Việc tự ý châm cứu hoặc châm cứu sai cách có thể gây ra những hậu quả khó lường như tai biến, nhiễm khuẩn hoặc phù nề,…