Những cơn đau nửa đầu lúc bất chợt đến từ bên trái, khi lại ghé thăm từ bên phải gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người mắc. Các chuyên gia nhận định rằng, nếu không điều trị sớm và đúng cách bệnh đau nửa đầu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 4 biến chứng của bệnh đau nửa đầu mà người bệnh cần quan tâm để phòng tránh sớm!
Đau nửa đầu là tình trạng như thế nào?
Đau nửa đầu (hay còn gọi là thiên đầu thống, đau nửa đầu migraine) là tình trạng một bên đầu đột ngột bị đau nhói, cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày. Bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt thường ngày của người mắc nếu không được điều trị đúng lúc và kịp thời. Tất cả mọi đối tượng đều có khả năng mắc bệnh này. Tuy nhiên, bệnh thường phổ biến ở độ tuổi từ 10 đến 45 tuổi, trong đó nữ giới có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn nam giới. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc chứng đau nửa đầu đó là:
- Di truyền.
- Trước hoặc ngay sau ngày hành kinh.
- Đang mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai.
- Mãn kinh.
- Chế độ ăn dùng nhiều chất tạo ngọt và bột ngọt.
- Dùng nhiều rượu bia hoặc các chất có cồn.
- Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi.
Cẩn trọng với 4 biến chứng nguy hiểm của bệnh đau nửa đầu
Đau nửa đầu là bệnh mạn tính, rất khó điều trị dứt điểm, chủ yếu tập trung kiểm soát cơn đau. Các biến chứng của bệnh đau nửa đầu cũng vô cùng phức tạp, thậm chí được xếp vào nhóm bệnh rất nguy hiểm. Một số biến chứng của bệnh đau nửa đầu theo khuyến cáo của Hiệp hội Đau đầu quốc tế (HIS) bao gồm 4 dạng sau đây:
1. Đau nửa đầu kinh niên
Đau nửa đầu kinh niên là biến chứng thường thấy ở đối tượng đã mắc bệnh lâu năm. Đây được xem là một trong những biến chứng của bệnh thường gặp nhất trên toàn thế giới. Để đánh giá biến chứng này cần dựa vào các chỉ tiêu sau đây:
- Số ngày có cơn đau đầu lớn hơn 15 ngày/tháng hoặc có nhiều hơn 8 cơn đau đầu/tháng.
- Người mắc biến chứng này sẽ có cảm giác lo lắng như ngày nào cũng phải sống trong cơn đau và bị ám ảnh bởi những cơn đau đầu sẽ tái phát.
2. Hội chứng migrainosus
Migrainosus là tình trạng suy nhược thần kinh. Biến chứng này cũng khá thường gặp, nhất là khi cơn đau đầu kéo dài hơn 72 giờ. Ngoài cơn đau nửa đầu, người mắc còn có một số biểu hiện khác như cảm giác ánh sáng lấp lánh, mất thị lực, rối loạn thị giác hoặc ói mửa liên tục. Tình trạng này có thể dẫn đến tình trạng mất nước, cơ thể kiệt quệ, mệt mỏi, mất ngủ. Bởi vậy, sức khỏe của người mắc có thể giảm dần, thậm chí cần nhập viện điều trị.
3. Biến chứng do sử dụng thuốc
Khi bị đau nửa đầu người mắc gần như phải “sống chung” với các loại thuốc giảm đau NSAIDS và những hợp chất có chứa ace-ta-mi-no-phen, caf-fe-ine,... Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, việc lạm dụng các nhóm thuốc này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cơ thể trở nên thích nghi, phụ thuộc vào thuốc hoặc thậm chí phản tác dụng gây những cơn đau đầu hồi ứng. Thực tế, các thuốc điều trị cấp tính bao gồm cả giảm đau, nhóm triptans, ergotamine được khuyến cáo không nên sử dụng quá 9 lần/tháng.
4. Đột quỵ
Biến chứng đột quỵ ở người bị đau nửa đầu xảy ra khi việc cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn bởi một cục máu đông hoặc chất béo trong động mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người bị đau nửa đầu, đặc biệt là phụ nữ và người bị đau kèm ảo giác về hào quang có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần so với những người khỏe mạnh. Đặc biệt nếu phụ nữ có các yếu tố nguy cơ kết hợp như hút thuốc hoặc sử dụng thuốc tránh thai thì tỷ lệ gặp phải biến chứng này càng cao hơn.