Hiện nay, với sự phát triển của y học ngày càng có nhiều loại thuốc giảm đau nhức xương khớp được ra đời. Bên cạnh tác dụng giảm đau nhanh, các thuốc nhóm này cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là ở một số đối tượng nhạy cảm. Vậy cụ thể những trường hợp nào cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!
Thuốc giảm đau xương khớp có những loại nào?
Đau xương khớp là triệu chứng thường gặp và có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Tuy nhiên, tình trạng này có xu hướng xảy ra phổ biến hơn ở những người trung niên và cao tuổi. Những người bị đau xương khớp âm ỉ hay dữ dội đều phải thừa nhận rằng tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sức khỏe, gây ra vô vàn trở ngại cho công việc và các hoạt động thường ngày.
Trong điều trị đau nhức xương khớp, bên cạnh việc tác động vào nguyên nhân bệnh lý, vấn đề giảm triệu chứng đau cũng cần được quan tâm thực hiện sớm. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số loại thuốc giảm đau xương khớp phổ biến trong tây y thường dùng đó là:
- Thuốc giảm đau thông thường: Loại thuốc được sử dụng nhiều nhất là pa-ra-ce-ta-mol (hay còn được gọi là ace-ta-mi-no-phen), ngoài ra còn có nhóm thuốc giảm đau không ste-ro-id (NSAIDs) điển hình như as-pi-rin, ibu-pro-fen, di-clo-fe-nac, me-lo-xi-cam, in-do-me-tha-cin,…
- Thuốc chống viêm cor-ti-co-id: Thường được sử dụng trong các trường hợp đau xương khớp mạn tính.Một số thuốc chống viêm chứa corticoid đó là de-xa-me-tha-sone, be-ta-me-tha-sone,…
- Thuốc giãn cơ: Epe-ri-sone, me-phene-sin,… giúp chống co cơ và giảm cơn đau rất tốt.
Các chuyên gia nhận định rằng, nếu quá lạm dụng các loại thuốc giảm đau xương khớp tây y có thể gây nhiều tác dụng phụ như loét dạ dày, hại gan thận, thậm chí phụ thuộc vào thuốc,… Một số loại thuốc khi ngừng sử dụng có thể khiến cơn đau xương khớp tái phát nặng nề hơn. Do vậy, người bị đau xương khớp phải hết sức lưu ý và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dùng.
3 nhóm đối tượng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp
Ngày nay, thói quen lạm dụng thuốc giảm đau xương khớp tây y đã khiến tỷ lệ gặp phải các tác dụng phụ tăng cao. Do vậy, nếu người mắc không tìm hiểu kỹ, tùy tiện dùng với liều không an toàn có thể gây tác dụng phụ hết sức nguy hại. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, 3 nhóm đối tượng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp:
Người bị rối loạn chức năng gan - thận
Trong nhiều loại thuốc giảm đau xương khớp có chứa các hoạt chất gây tổn thương gan, thận. Theo kết quả nghiên cứu tại Anh cho thấy, lạm dụng các thuốc giảm đau xương khớp làm tăng gấp 3 lần nguy cơ dẫn đến suy thận cấp.
Bên cạnh đó, tùy tiện dùng những loại thuốc này còn làm tăng nguy cơ gây hại gan, làm men gan tăng nhanh, thậm chí khiến các tế bào gan bị tổn thương, hoại tử, dẫn đến suy gan.
Do đó, nếu những người có tiền sử mắc bệnh gan hoặc thận thì việc sử dụng thuốc giảm đau xương khớp có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Người bị bệnh tim mạch
Một trong những tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau xương khớp tây y đó là ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch, nhẹ thì tăng huyết áp, đau thắt ngực, nặng thì suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... Nguyên nhân được giải thích là do các hoạt chất có trong thuốc giảm đau xương khớp ảnh hưởng đến quá trình hình thành cục máu đông, chặn dòng lưu thông máu đến các bộ phận trong cơ thể. Một nghiên cứu trên những người từng bị nhồi máu cơ tim cho thấy, sử dụng tùy tiện các thuốc giảm đau xương khớp làm tăng 45% nguy cơ tử vong hoặc tái phát cơn nhồi máu cơ tim. Đó là lý do, người có tiền sử bị bệnh tim mạch cần đặc biệt lưu ý với những loại thuốc này.
Người bị bệnh dạ dày
Theo các chuyên gia, hầu hết các thuốc chống viêm, giảm đau ít nhiều đều gây tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa. Các mức độ biểu hiện từ nhẹ như ợ nóng, đau thượng vị, đầy hơi cho đến nặng như viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh dạ dày càng phải thận trọng hơn để hạn chế các biến chứng nguy hiểm kể trên. Nếu sử dụng càng thường xuyên thì ổ loét càng lâu lành và tái phát nhiều lần, thậm chí có thể xuất hiện thêm ổ loét mới.