Thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp chủ yếu gặp ở người cao tuổi. Bệnh xuất phát do sự lão hóa các cấu trúc khớp xương. Vậy thoái hóa khớp có nguy hiểm không? Và làm thế nào để phòng ngừa bệnh một cách an toàn, hiệu quả? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Bệnh thoái hóa khớp có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp, thoái hóa khớp là nguyên nhân gây cơn đau nhức xương khớp mạn tính. Theo các thống kê cho thấy:

Khoảng 25% người mắc bệnh thoái hóa khớp không thực hiện được các hoạt động thông thường trong cuộc sống.

Khoảng 80% người mắc bệnh có biểu hiện di chuyển khó khăn trong một số các vận động.

Thoái hóa khớp gối là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây suy nhược ở người lớn.

Ngoài ra, thoái khớp còn gây nhiều những ảnh hưởng khác đến công việc, cuộc sống sinh hoạt của người bệnh tùy vào mức độ và vị trí cơn đau. Dưới đây là một số các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp nếu không được quan tâm chữa trị kịp thời:

Mất ngủ

Hầu hết những cơn đau nhức xương khớp đều gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngược lại, nếu người bệnh không được ngủ đủ giấc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn.

Dáng đi

Người bệnh mắc thoái hóa khớp đặc biệt ở vị trí khớp gối có thể dẫn đến hệ quả chân cao chân thấp, dáng đi không thẳng do khớp gối bị cong.

Tăng cân

Đau và cứng khớp làm bạn lười vận động hoặc không thể tham gia được những hoạt động thể thao như bình thường. Do vậy, thoái hóa khớp làm giảm khả năng tập thể dục, thậm chí là đi bộ dẫn đến tăng cân. Đây cũng là một trong những biến chứng có thể làm nặng hơn các triệu chứng của thoái khớp và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch.

Vôi hóa sụn khớp

Thoái hóa khớp lâu ngày làm hình thành các tinh thể canxi trong sụn, đôi khi các tinh thể này chuyển động gây ra các cơn đau cấp tính. 

Tâm lý

Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa bệnh thoái khớp và yếu tố tâm lý người bệnh. Tất cả đều có chung kết quả là người mắc bệnh thoái hóa khớp có nguy cơ gặp phải các biểu hiện lo lắng, trầm cảm cao hơn so với bình thường.

Một số các biến chứng khác của thoái khớp bao gồm: Gãy xương, hoại tử xương, chảy máu, nhiễm trùng trong khớp, tổn thương gân và dây chằng quanh khớp hoặc chèn ép dây thần kinh trong cột sống với các trường hợp thoái hóa khớp ở cột sống.

Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp bằng cách nào?

Cách tốt nhất để phòng ngừa thoái hóa khớp là hãy chú ý đến các thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, giữ tinh thần lạc quan và xây dựng một lối sống tích cực. Cụ thể:

- Ngay từ khi còn trẻ hãy luyện tập thói quen tập thể dục đều đặn vừa giúp nâng cao sức khỏe toàn trạng, vừa cải thiện độ dẻo dai, linh hoạt và tăng cường dinh dưỡng cho các khớp. Từ đó, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp. Bạn có thể chọn cho mình một bộ môn phù hợp với sức lực như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội...

- Chú ý đến các tư thế khi thực hiện hoạt động hàng ngày. Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp, giảm tối đa sự đè ép không cân đối lên khớp. Khi mang vác vật nặng, bạn nên chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và vai tránh làm tổn thương các khớp nhỏ.

- Quan tâm điều trị sớm các bệnh lý xương khớp mắc phải để hạn chế tình trạng tái phát gây ảnh hưởng đến các khớp khác.

- Đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất trong các bữa ăn hàng ngày, đặc biệt các chất tham gia vào quá trình tái tạo và phát triển hệ xương khớp như canxi, magie có nhiều trong các loại thực phẩm: Tôm, trứng, cá hồi,...