Đi bộ là môn thể thao tốt cho sức khỏe, dễ thực hiện và được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, bị đau khớp gối có nên đi bộ không là thắc mắc của rất nhiều người gặp phải tình trạng này? Liệu tập luyện có khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn hay không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp cho vấn đề trên!
Đau khớp gối là tình trạng như thế nào?
Khớp gối là một trong những khớp có tần suất hoạt động nhiều nhất và chịu áp lực lớn từ toàn bộ trọng lượng cơ thể, do đó nó rất dễ bị tổn thương. Khớp gối có cấu tạo phức tạp, là nơi tiếp giáp của 3 xương chính là: Xương đùi, xương bánh chè và xương chày, hoạt động nhờ sự phối hợp của gân, cơ, dây chằng, sụn khớp, bao khớp. Giữa các đầu xương có một lớp sụn nhẵn, mịn bao phủ giúp khớp hoạt động trơn tru.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 10% dân số ở độ tuổi trung niên bị hạn chế khả năng lao động do đau khớp gối.
Đau khớp gối là triệu chứng phổ biến nhiều người mắc phải
Tình trạng đau khớp gối xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng thường do phần sụn khớp bị bào mòn, trở nên xù xì và thô ráp, khiến khớp xương cọ xát với nhau, ma sát nhiều gây đau, đặc biệt là ở người già.
Đau khớp gối có nhiều mức độ. Một số người có thể chỉ cảm thấy đau nhẹ, trong khi những người khác bị đau nhiều, khó đi lại, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Triệu chứng đau khớp gối là:
- Sưng và cứng khớp.
- Chỗ đau tấy đỏ và cảm thấy ấm khi chạm vào.
- Khớp yếu, khó di chuyển.
- Có tiếng lạo xạo, lục cục ở khớp.
- Khó duỗi thẳng đầu gối.
Bị đau khớp gối có nên đi bộ không?
Nhiều người thắc mắc: “Bị đau khớp gối có nên đi bộ không?”. Theo các chuyên gia xương khớp, việc đi bộ thể dục là cần thiết với người đau khớp gối. Bởi vì quá trình vận động sẽ tạo ra dịch khớp nuôi dưỡng sụn, giúp bôi trơn khớp gối, giảm tình trạng khô khớp, ngăn ngừa cứng khớp. Thậm chí, việc đi bộ đúng cách còn giúp giảm đau rõ rệt, tốt cho người bệnh. Cụ thể, công dụng của việc đi bộ với sức khỏe xương khớp như sau:
- Giúp tái tạo khớp: Khi bị viêm khớp, sụn có thể hư hỏng và bào mòn. Kết quả là bạn bị đau khớp, cứng khớp và khó đi lại. Tập thể dục có thể giúp tái tạo lại khớp. Eric Robertson cho biết: “Sụn giống như một miếng bọt biển. Nó sẽ nhận được các chất dinh dưỡng khi khớp xương cọ xát nếu bạn đi bộ”.
- Giúp đôi chân thêm khỏe mạnh: Đi bộ giúp tăng cơ, làm giảm áp lực cho khớp. Điều này có nghĩa là đầu gối của bạn sẽ ít bị đau hơn.
- Giúp giảm cân: Giảm cân nặng sẽ giúp giảm áp lực lên đầu gối. Càng ít áp lực sẽ càng ít đau đớn.
Đau khớp gối có nên đi bộ không?
Đối với người bị đau khớp gối, khi đi bộ thể dục cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo sức khỏe:
- Lựa chọn giày đi bộ chuyên dụng, ưu tiên giày kích cỡ phù hợp, thoải mái, đế giày mềm dẻo với bề mặt tiếp xúc có nhiều rãnh nhỏ để tăng độ bám, tránh giày cao gót mũi nhọn. Đối với trường hợp bàn chân bẹt, nên đi giày có đế chỉnh hình để giữ cho bàn chân luôn ở vị trí đúng và ngăn chặn các vòm chân bị sụp xuống.
- Trước khi đi bộ cần khởi động kỹ để làm nóng cơ và khớp bằng các cử động gập duỗi, căng cơ trong khoảng 5 - 10 phút.
- Không nên sải bước quá dài, di chuyển với tốc độ nhanh sẽ tạo thêm áp lực cho phần khớp gối.
- Nên đi bộ chậm rãi, khoảng cách giữa 2 lần bước nên là 1 hoặc 2 bàn chân.
- Mỗi lần chỉ nên đi bộ khoảng 10 - 15 phút, tổng thời gian đi bộ trong ngày có thể từ 30 - 60 phút.
- Môi trường đi bộ cần trong lành, không nắng gắt. Nên đi bộ ở những nơi bằng phẳng để dễ dàng kiểm soát vận động của khớp gối, tránh địa hình trơn trượt hay dốc cao.
- Nên dừng ngay việc đi bộ nếu thấy biểu hiện đau nhức tăng, khớp gối bị sưng hay di chuyển khó khăn hơn.