Theo các thống kê cho thấy cứ mỗi 5 người lại có 4 người bị triệu chứng đau lưng ở các mức độ khác nhau. Vậy ngoài các phương pháp điều trị Tây y, cần kết hợp một chế độ ăn uống như thế nào để nâng cao hiệu quả điều trị là mối quan tâm của nhiều người mắc bệnh. Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé!

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau lưng?

Đau lưng là một trong những triệu chứng xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau như: Thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm… Hoặc cơn đau lưng có thể xuất phát từ chính những thói quen sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như tư thế sai lệch, lười vận động,…

Theo chuyên gia, đau lưng được hình thành từ 1 trong 3 hoặc cũng có thể là sự kết hợp của nhiều cơ chế sau:

- Bình thường tại các vị trí xương khớp, niêm mạc, mạch máu và lớp nông dưới da tồn tại nhiều thụ cảm thể làm nhiệm vụ truyền tín hiệu cảm giác đau tới não bộ. Khi bị tổn thương, chèn ép chúng sẽ bị kích thích và ngay lập tức thực hiện nhiệm vụ giúp cơ thể cảm nhận được cảm giác đau.

- Vùng lưng được chi phối bởi nhiều dây thần kinh khác nhau. Do nguyên nhân bệnh lý hoặc những tư thế xấu kéo dài làm chèn ép, phá hủy lớp vỏ bọc bên ngoài sợi thần kinh làm các xung điện bị rò rỉ gây ra tình trạng đau lưng kéo dài, tái phát nhiều lần.

- Khi cơ thể mắc một số bệnh lý có xảy ra tình trạng viêm nhiễm kéo dài làm thay đổi môi trường acid ngoại bào cũng là nguyên nhân gây ra đau lưng.

Mặc dù triệu chứng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến các công việc sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí tình trạng đau nhức khiến người mắc có thể không đi lại được, mất ngủ triền miên dẫn tới suy nhược cơ thể và là căn nguyên dẫn tới nhiều bệnh lý khác.

Chế độ dinh dưỡng cho người thường xuyên bị đau lưng

Hiện nay, có nhiều các biện pháp điều trị đau lưng bao gồm: Sử dụng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, sử dụng thảo dược thiên nhiên kết hợp với thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, tập luyện phù hợp. Vậy người bị đau lưng nên ăn uống như thế nào để kiểm soát tình trạng đau lưng và tăng hiệu quả điều trị? Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng dành cho những người thường xuyên bị đau lưng như:

Ăn nhiều rau quả

Hầu hết các loại trái cây và rau quả chứa ít calo và nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp duy trì trọng lượng của cơ thể một cách dễ dàng, giúp giảm cân ở những người béo phì. Việc duy trì một trọng lượng vừa phải sẽ giảm áp lực tác dụng lên các vùng xương khớp, xương cột sống. Từ đó sẽ có tác dụng giảm bớt các cơn đau hiệu quả. Bên cạnh đó một số loại trái cây và rau có đặc tính chống đau rất tốt như: Anh đào, nam việt quất, nho đỏ, trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin C. Những loại trái cây này giúp trì hoãn sự tiến triển của viêm khớp, giảm các triệu chứng đau nhức.

Rau hẹ và hạt hẹ 

Còn gọi là phỉ thái và phỉ tử. Theo y học cổ truyền, rau hẹ có tác dụng ôn trung, hành khí, tán huyết, “làm ấm lưng gối” (Nhật hoa tử bản thảo), “trị dương hư thận lãnh, dương đạo bất chấn, hoặc yêu tất lãnh thống” (Phương mạch chính tông). Dân gian thường dùng rau hẹ xào với dầu vừng ăn hoặc dùng rau hẹ 60g rửa sạch, ép lấy nước cốt rồi hoà với một chút rượu vang uống để chữa tình trạng mạn tính. Hạt hẹ được xem như một loại thuốc bổ thận, giống như bài thuốc ngâm rượu chữa đau lưng có thể làm ấm lưng gối, tráng dương cố tinh, rất phù hợp cho những người đau lưng mỏi gối do lạnh.

Gia vị

Trong bữa ăn hàng ngày, một số loại gia vị mà thành phần của nó giúp giảm đau lưng như: Củ nghệ, gừng có tác dụng giảm sức, bảo vệ các khớp.

Ăn nhiều các loại hạt

Vừng đen: Vừng đen có khả năng trị ngũ tạng hư tổn, làm tăng khí lực và vững gân cốt. Trong dân gian thường dùng rượu vừng đen để trị chứng đau khớp, tứ chi yếu liệt và lưng đau gối mỏi ở người già. Dân gian thường dùng cháo vừng đen như một món ăn bổ dưỡng để bổ thận.

Hạt sen: Trong đông y, hạt sen là một vị thuốc chữa chứng đau lưng mạn tính do thận hư hoặc có kèm theo hàn thấp.

Hạt dẻ: Hạt dẻ có công dụng bổ thận khí, kiện tỳ vị, làm mạnh lưng gối. Để giảm đau mỗi ngày nên ăn 10 hạt dẻ hoặc nấu cháo hạt dẻ ăn thường xuyên.

Uống nhiều nước trái cây

Nước ép hoa quả là thứ đồ uống được sử dụng rất nhiều bởi lượng vitamin, các loại chất chống oxy hóa chúng cung cấp cho cơ thể là rất nhiều. Một ly nước ép quả mỗi ngày sẽ giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính trong đó có đau lưng rất hiệu quả.

Nước ép cam: Thời điểm uống nước cam tốt nhất là sau bữa ăn sáng. Trong nước cam có rất nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, tăng cường giải độc, xua tan mệt mỏi, đặc biệt vitamin C giúp bảo vệ tế bào sụn, bảo tồn xương khớp.

Nước ép cà chua: Rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin C và lycopene. Một ly nước ép cà chua trong bữa cơm là sự lựa chọn tuyệt vời. Hơn nữa, trong cà chua có lượng calo thấp, thích hợp cho người ăn kiêng, giàu kali và khoáng chất tốt cho sự phát triển của xương khớp nói chung.

Nước ép nho: Rất giàu anthocyanins, một chất chống oxy hóa và ngăn ngừa hình thành các gốc tự do, kháng viêm, giảm đau hiệu quả đối với người bị đau lưng.