Đau thắt lưng là một trong những triệu chứng gây ảnh hưởng đến nhiều người không kể giới tính hay độ tuổi. Theo thống kê, có tới hơn 30% số người trưởng thành tại Mỹ bị đau thắt lưng. Vậy điều gì làm tăng thêm nguy cơ mắc triệu chứng này? Lời giải đáp sẽ có trong bài viết dưới đây!

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây đau thắt lưng là gì?

Đau thắt lưng có thể là kết quả của một số tình trạng gây ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống thắt lưng, đĩa đệm, dây chằng quanh cột sống, tủy sống, dây thần kinh, cơ thắt lưng và các cơ quan nội tạng vùng xương chậu. Đôi khi nó là do sự kết hợp của nhiều yếu tố kể trên. 

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, một số rủi ro khác có thể làm tăng nguy cơ gây đau thắt lưng, bao gồm:

Tuổi tác: Những người trong độ tuổi từ 30-50 thường có nguy cơ cao xuất hiện triệu chứng đau thắt lưng. Nguyên nhân là do trong khoảng độ tuổi này các cơ quan trong cơ thể có dấu hiệu lão hóa, trong đó có hệ xương khớp. Tình trạng này có thể làm giảm mật độ xương, giảm lượng dịch nhầy khớp và các khớp sụn cột sống bị mài mòn. Từ đó làm giảm độ đàn hồi, trương lực cơ và sức chịu đựng của cột sống. Đồng thời, độ tuổi tăng dần còn kéo theo suy giảm khả năng đệm các đốt sống và tăng nguy cơ gây hẹp ống sống. Những vấn đề trên đều là nguyên nhân dẫn đến chứng đau thắt lưng ở người già.

Lười vận động: Đau thắt lưng thường xuất hiện nhiều hơn ở những người có sức khỏe kém. Có thể dễ nhận thấy rằng những người tập thể dục rất nhiều sau khi không hoạt động cả tuần có nhiều khả năng bị chấn thương lưng hơn những người thường xuyên hoạt động thể chất. Theo các nghiên cứu cho thấy, tập thể dục có lợi trong việc duy trì tính toàn vẹn của đĩa đệm.

Phụ nữ mang thai: Đau thắt lưng là một trong những triệu chứng phổ biến ở các mẹ bầu. Nguyên nhân là do trong giai đoạn mang thai có sự thay đổi trọng lượng cơ thể, đặc biệt áp lực lên vùng lưng tăng đáng kể khiến các cơ thắt lưng chưa thích ứng kịp, gây những cơn đau mỏi vùng lưng.

Thừa cân: Cột sống là một trong các xương chủ chốt nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Trong các trường hợp bị béo phì, thừa cân khiến cột sống phải chịu áp lực quá sức trong một thời gian dài dẫn tới tình trạng đau nhức thắt lưng.

Yếu tố gia đình: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số những nguyên nhân gây đau lưng như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp có yếu tố di truyền. Nghĩa là, khả năng mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người đã bị mắc các chứng bệnh đó.

Đặc thù công việc: Nguy cơ đau thắt lưng cao hơn ở những người làm các công việc cần phải nâng, đẩy, kéo mạnh, thường xuyên và liên tục. Nhưng ngược lại một công việc yêu cầu phải ngồi quá lâu, không vận động như dân văn phòng cũng có thể dẫn đến chứng đau thắt lưng.

Trẻ em thường xuyên đeo cặp sách nặng hoặc không đúng cách: Tình trạng đau thắt lưng bắt gặp ở trẻ em thường không phải do nguyên nhân bệnh lý mà xuất phát từ thói quen, tư thế không đúng hàng ngày của các bé. Một chiếc cặp với những đồ dùng và sách vở với trọng lượng quá tải hoặc ngồi học với độ cao bàn ghế không hợp lý có thể làm căng cơ lưng và gây mỏi cơ. Chuyên gia khuyến cáo rằng cặp sách của trẻ nên có khối lượng không quá 15 đến 20% trọng lượng cơ thể của trẻ.

Do vậy, nếu bạn đã xác định được yếu tố nào gây nên triệu chứng đau thắt lưng hãy loại bỏ ngay chúng. Đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt kết hợp với tập thể dục thường xuyên để giảm và ngăn ngừa chứng đau thắt lưng một cách an toàn, hiệu quả.