Pa-ra-ce-ta-mol là một loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến và trở thành giải pháp “cứu cánh” trong nhiều trường hợp khi cơn đau tìm đến. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu lạm dụng thuốc giảm đau này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng ngộ độc thuốc. Vậy cụ thể vấn đề này được giải thích như thế nào và làm sao để khắc phục? Câu trả lời sẽ được giải đáp cụ thể trong nội dung bài viết dưới đây!

Thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol được dùng trong những trường hợp nào?

Pa-ra-ce-ta-mol là một trong những loại thuốc không kê đơn được sử dụng rộng rãi để giảm đau và hạ sốt. Không giống như những loại thuốc thuộc nhóm NSAIDs, pa-ra-ce-ta-mol không có hoạt tính kháng viêm nên thường chỉ dùng trong các trường hợp đau từ nhẹ đến vừa như: 

- Đau xương khớp do mắc các bệnh lý như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, gout,...

- Đau đầu.

- Cảm cúm, sốt.

- Đau răng.

- Đau do zona thần kinh.

- Đau sau phẫu thuật. 

Những con số “báo động” về tình trạng ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol

Mặc dù, pa-ra-ce-ta-mol là loại thuốc được dùng phổ biến hiện nay, nhưng nếu sử dụng quá liều lượng thì nguy cơ dẫn đến ngộ độc cho người bệnh là rất cao. Cụ thể những con số dưới đây cho thấy mức độ đáng báo động về tình trạng gặp phải biến chứng khi sử dụng nhóm thuốc này: 

- Ngộ độc pa-ra-ce-ta-mol là nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc phải điều trị ghép gan trên thế giới và đứng đầu tại Hoa Kỳ. Có khoảng 56.000 ca cấp cứu, 2600 ca nhập viện và 500 ca tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ có liên quan đến thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol, 50% trong số đó là do sử dụng sai cách, quá liều. 

- Ở Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 năm 2002 - 2004, tỷ lệ ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol đứng hàng thứ 2 trong các trường hợp ngộ độc thuốc. 

Nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol? 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol là do sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người bệnh trong cách sử dụng thuốc. Cụ thể những sai lầm dưới đây là căn nguyên dẫn đến biến chứng nguy hiểm này: 

- Khoảng cách uống các liều quá ngắn. 

- Uống cùng lúc nhiều loại thuốc đều chứa hoạt chất pa-ra-ce-ta-mol. 

- Uống lặp lại liều cao pa-ra-ce-ta-mol. 

- Uống pa-ra-ce-ta-mol trong nhiều ngày. 

Đặc biệt chú ý, những đối tượng có nguy cơ cao ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol đó là: Người bị bệnh gan, nhiễm virus viêm gan đang hoạt động, người suy dinh dưỡng, người nghiện rượu, người bị suy giảm hệ miễn dịch, người mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. 

Để chẩn đoán người bệnh có phải bị ngộ độc pa-ra-ce-ta-mol hay không cần dựa vào việc khai thác lịch sử dùng thuốc và định lượng nồng độ pa-ra-ce-ta-mol trong máu. Cụ thể, liều ngộ độc paracetamol đó là:

- Ngộ độc cấp: Trẻ em từ 150 - 200 mg/kg, người lớn từ 6 - 7g. 

- Ngộ độc mạn: Trẻ em từ 60 - 150 mg/kg/ngày x 2 sử dụng trong 8 ngày; Người lớn từ 4 – 6 g/ngày/nhiều ngày hoặc 3g/ngày/1 năm. 

Thuoc-giam-dau-pa-ra-ce-ta-mol-co-the-gay-ngo-doc.webp

Thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol có thể gây ngộ độc

Biểu hiện của ngộ độc paracetamol 

Ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol khiến chức năng và hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng. Cụ thể tình trạng ngộ độc có thể gây ra những biểu hiện trong từng giai đoạn như sau:  

- Giai đoạn 1 (24 giờ đầu)

Dấu hiệu đầu tiên của người bị ngộ độc pa-ra-ce-ta-mol là buồn nôn, nôn, toát mồ hôi, xanh xao, khó chịu trong người. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp trong giai đoạn này không có triệu chứng.

- Giai đoạn 2 (24 đến 72 giờ)

Người bệnh bắt đầu xuất hiện đau vùng hạ sườn phải, khối phồng lên vùng hạ sườn phải (do gan to), đau, đái ít. 

- Giai đoạn 3 (72 đến 96 giờ)

Tiếp đó là tình trạng tổn thương gan nặng nề. Xuất hiện hiện tượng vàng da, lú lẫn, xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong rất nhanh. 

- Giai đoạn 4 (4 ngày đến 2 tuần)

Người bệnh nếu qua khỏi giai đoạn 3 sẽ hồi phục từ ngày thứ 4 và bình phục hoàn toàn vào ngày thứ 7, không để lại di chứng. Các triệu chứng có thể còn bất thường trong vài tuần.

Khi phát hiệu triệu chứng của ngộ độc pa-ra-ce-ta-mol cần gọi điện ngay cho bác sĩ và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để giành lấy thời gian “vàng” cứu sống người bệnh.

Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc pa-ra-ce-ta-mol?

Trước tỷ lệ ngộ độc thuốc giảm đau pa-ra-ce-ta-mol đang ngày càng có xu hướng tăng, chuyên gia khuyên bạn hãy lưu ý một số vấn đề sau để phòng tránh biến chứng nguy hiểm này: 

- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thêm thuốc khác khi đang dùng thuốc có chứa pa-ra-ce-ta-mol.

- Không sử dụng quá 1g/lần và quá 4g/ngày.

- Đối với người có nguy cơ cao không nên uống quá 2g/ngày hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

- Khoảng cách giữa các lần uống phải tối thiểu là 4 giờ. 

- Không uống rượu khi dùng pa-ra-ce-ta-mol, hoặc dùng pa-ra-ce-ta-mol để giảm đau sau khi uống rượu.