Đau nhức là vấn đề sức khỏe phổ biến, cũng vì thế mà nhiều người xem thuốc giảm đau như một “vị cứu tinh” mỗi khi cơn đau tìm đến. Mặc dù đem lại hiệu quả nhanh và tiện lợi trong sử dụng nhưng nếu sử dụng sai cách nhóm thuốc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm đau của đa số mọi người!

Thuốc giảm đau có những loại nào?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giảm đau được phân làm 3 loại chính dựa theo tác dụng dược lý, cụ thể: 

- Loại 1: Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như ibu-pro-fen, na-pro-xen,... thích hợp điều trị các cơn đau nhẹ và trung bình. 

- Loại 2: Thuốc giảm đau dẫn xuất mor-phin nhẹ như co-de-in, tra-ma-dol,... thích hợp điều trị các cơn đau cường độ trung bình.

- Loại 3: Thuốc giảm đau họ mor-phin như mor-phin, fen-ta-nyl, sul-fen-ta-nyl,... thích hợp điều trị các cơn đau nặng. 

Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm đau

Trong các loại thuốc giảm đau kể trên thì loại 1 thường bị lạm dụng nhiều nhất bởi người bệnh có thể dễ dàng mua chúng tại các hiệu thuốc tây mà không cần bác sĩ kê đơn. Đặc biệt những hiểm họa từ nhóm thuốc này thường đến từ tâm lý chủ quan và sự thiếu hiểu biết của người dùng. Cụ thể dưới đây là những sai lầm thường gặp của rất nhiều người khi dùng thuốc giảm đau: 

Tâm lý “nếu 1 là tốt, 2 có lẽ tốt hơn”

Một số người khi dùng liều thuốc đầu tiên để giảm đau, thấy tình trạng không mấy thuyên giảm sẽ tiếp tục uống thêm một liều nữa với suy nghĩ “1 liều đã tốt rồi thì 2 liều có lẽ tốt hơn”. Hành động này vô cùng nguy hiểm vì nguy cơ gây ngộ độc thuốc là rất cao. Thường khi bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, họ đã phải cân nhắc về lợi ích và tác hại để đưa ra liều cho tác dụng tốt nhất. Việc tăng gấp đôi hoặc gấp ba liều lượng sẽ không làm tăng tác dụng điều trị mà ngược lại nó có thể làm tăng tác dụng phụ cho sức khỏe. 

Bởi vậy, nếu đã uống thuốc giảm đau theo đúng chỉ dẫn về liều lượng mà sau một thời gian, cơn đau vẫn không được kiểm soát thì bạn không được tăng liều hoặc dùng thêm thuốc khác, thay vào đó hãy đi gặp chuyên gia để thay đổi phương thức điều trị. 

Tu-y-tang-lieu-thuoc-giam-dau-co-the-gay-hau-qua-nghiem-trong.webp

Tự ý tăng liều thuốc giảm đau có thể gây hậu quả nghiêm trọng

Dùng nhiều thuốc có cùng hoạt chất

Nhiều người có thói quen không đọc nhãn và thành phần của thuốc. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không biết mình đang dùng thuốc có chứa thành phần gì. Chính lý do này dẫn đến tình trạng quá liều do sử dụng nhiều thuốc có cùng hoạt chất.

Uống thuốc giảm đau cùng với rượu, bia

Việc sử dụng kết hợp thuốc giảm đau và rượu, bia sẽ làm tăng tác hại lên gan, vì bản thân chúng đều là những thứ không tốt cho gan. Đó là lý do tại sao nhiều loại thuốc giảm đau thường được gán nhãn “no alcohol” - nghĩa là không dùng cùng đồ uống có cồn. 

Không để ý đến tương tác thuốc

Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc giảm đau nào, bạn nên chú ý xem mình có đang dùng loại thuốc điều trị khác hay không. Bởi các chuyên gia khuyến cáo rằng, một vài loại thuốc có thể tương tác với thuốc giảm đau hoặc làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ. Ví dụ như thuốc giảm đau as-pi-rin có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc tiểu đường non-insulin, co-de-in, oxy-co-done và thuốc chống trầm cảm.

Uống thuốc khi lái xe

Thuốc giảm đau có thể gây ra tình trạng buồn ngủ, dẫn đến nhiều mối nguy hiểm khi lái xe. Mặc dù không phải ai cũng bị tác dụng không mong muốn này, nhưng các chuyên gia khuyên rằng bạn nên thử trước loại thuốc đó ở nhà để xem nó có gây cảm giác buồn ngủ hay không.

Chia sẻ đơn thuốc với người khác

Đây là điều rất phổ biến ở Việt Nam và thậm chí ở cả những nước phát triển. Người bệnh thường chia sẻ đơn thuốc và giới thiệu cho người gặp phải tình trạng đau giống mình sử dụng những loại thuốc đó. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi người có một cơ địa khác nhau, các thuốc đó có thể gây ra tình trạng dị ứng, tương tác hoặc quá liều cho người sử dụng. 

Không trao đổi với chuyên gia

Các quảng cáo giới thiệu thuốc giảm đau đều khuyến cáo người dùng “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, nhưng quả thật không phải ai cũng thực hiện điều đó. Bởi vậy, bạn nên đề nghị với dược sĩ hoặc người bán thuốc hướng dẫn kỹ lưỡng cách dùng và các nguy cơ có thể gặp phải.