Đau lưng giữa có thể do thói quen sinh hoạt sai tư thế hoặc do chấn thương. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu cho bệnh lý nguy hiểm khác. Vậy đau lưng giữa là bệnh gì? Cách điều trị và ngăn ngừa tình trạng này như thế nào? Hãy theo dõi những thông tin dưới đây để tìm câu trả lời nhé.
Tổng quan về bệnh đau lưng giữa
Lưng giữa bắt đầu từ phần dưới cổ đến hết phần lồng ngực. Khu vực này bao gồm 12 đốt sống lưng (T1-T12), tủy sống, các cơ, dây chằng và đĩa đệm. Bất cứ kích thích hoặc tổn thương nào ở các bộ phận trên đều có thể dẫn đến đau lưng giữa. Tùy vào vị trí và mức độ tổn thương mà người bệnh có thể có các triệu chứng như:
- Đau cơ, căng cứng cơ.
- Đau thắt lưng âm ỉ hoặc dữ dội vùng giữa lưng.
- Ngứa ran ở tay, chân hoặc ngực.
- Tức ngực, khó thở.
- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
Top 9 nguyên nhân gây đau lưng giữa phổ biến nhất
Đau lưng giữa thường bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không điều trị tận gốc, các cơn đau vùng giữa lưng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nhận biết sớm nguyên nhân sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa và điều trị dứt điểm tình trạng bệnh. Các nguyên nhân gây đau lưng giữa thường gặp là: Thói quen làm việc sai tư thế, chấn thương, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống...
Thói quen làm việc sai tư thế gây đau lưng giữa
Khi tư thế làm việc, ngồi, nằm khiến áp lực đè lên các đốt sống lưng. Điều này nếu lặp lại thường xuyên có thể dẫn đến đau đốt sống lưng giữa. Mặt khác, tư thế không đúng khiến các cơ và dây chằng hoạt động nhiều hơn để giữ thăng bằng cho cơ thể. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến cơ làm việc quá sức gây nhức mỏi và đau lưng giữa.
Ngồi làm việc sai tư thế lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng đau lưng giữa
Chấn thương dẫn đến tình trạng đau giữa lưng
Các tai nạn do lao động, ngã cầu thang hay tai nạn giao thông khiến vùng lưng giữa bị tổn thương cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau giữa lưng. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở phần mô mềm. Với những trường hợp nặng, cột sống giữa lưng bị tổn thương, gãy xương, vỡ đĩa đệm thì sẽ gây đau đớn dữ dội, cần điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Căng cơ lưng giữa hoặc giãn dây chằng lưng giữa
Khi khuân vác vật nặng thường xuyên, có thể gây giãn dây chằng và căng cơ vùng lưng giữa. Nghiêm trọng hơn là dẫn đến rách rồi kéo dài gân và cơ. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi bạn cử động đột ngột hay vặn mình quá đà.
Thoát vị đĩa đệm gây đau đốt sống lưng giữa
Đĩa đệm là bộ phận thuộc khoang gian đốt sống, có vai trò giúp cột sống hoạt động linh hoạt và giảm chấn động. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy trong bao xơ đĩa đệm thoát ra ngoài. Khi đó, các dây thần kinh bị chèn ép gây đau đớn, khó chịu không chỉ vùng lưng giữa mà còn lan ra các vùng xung quanh.
Đau ở giữa lưng do gai cột sống lưng
Gai cột sống lưng là sự phát triển thêm của xương đốt sống. Nếu gai cột sống xuất hiện ở vị trí từ T1-T12, sẽ gây đau giữa lưng kèm theo cứng và mỏi cột sống. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng tê bì, đau buốt và gây khó khăn trong việc di chuyển.
Thoái hóa cột sống gây đau cột sống lưng giữa
Thoái hóa cột sống thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, đây là căn bệnh đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh gây nên các cơn đau lưng giữa âm ỉ, có thể kèm theo hiện tượng cứng khớp, hạn chế sự vận động…
Đau lưng giữa có thể là dấu hiệu của bệnh thoái hóa cột sống
Viêm cột sống dính khớp dẫn đến đau nhức giữa lưng
Đây là một dạng bệnh lý mạn tính và là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng giữa. Bệnh có biểu hiện là các đốt sống bị vôi hóa. Theo thời gian sẽ dẫn đến tình trạng dính khớp, hạn chế vận động, thậm chí là tàn phế.
Vẹo cột sống gây nên tình trạng đau lưng giữa
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong vẹo về một bên. Lúc này, sự phân bố trọng lượng lên lưng không đều có thể dẫn đến tình trạng đau lưng giữa.
Bị đau lưng giữa do các bệnh lý khác
Ngoài ra, các cơn đau lưng giữa xảy ra có thể là do các bệnh lý sau:
- Bệnh thận: Người bệnh bị đau lưng giữa kèm theo tình trạng sốt, buồn nôn, bí tiểu, đau khi đi tiểu. Đây là những dấu hiệu thường gặp của bệnh thận như sỏi thận, thận hư.
- Bệnh phổi: Nếu các cơn đau lưng giữa kèm theo tình trạng tức ngực, khó thở thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về phổi.
- Khối u: Các khối u có thể gây chèn ép dây thần kinh, cơ, dây chằng hoặc tủy sống. Từ đó dẫn đến các cơn đau lưng giữa của người bệnh.
Đau lưng giữa có nguy hiểm không? Khi nào nên gặp bác sĩ?
Đau lưng giữa sẽ ngày càng dữ dội và có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu căn nguyên của bệnh không được điều trị sớm và kịp thời. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau lưng giữa mà những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra cũng khác nhau:
- Biến chứng do bệnh lý cột sống: Teo cơ, yếu chi dưới, mất kiểm soát đại tiểu tiện, đi lại khó khăn, dễ vấp ngã, mất khả năng vận động,...
- Biến chứng do bệnh phổi: Viêm phổi mạn tính, ung thư phổi,..
- Biến chứng do bệnh thận: Suy thận, viêm cầu thận cấp,...
Ngoài ra, tình trạng đau lưng giữa còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống. Gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu do mất khả năng lao động trở thành gánh nặng của gia đình.
Teo chi là biến chứng nguy hiểm nếu căn nguyên gây đau lưng giữa không được điều trị sớm
Đâu là giải pháp an toàn và hiệu quả cho bệnh đau lưng giữa
Khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng của tình trạng đau lưng giữa, người bệnh cần có biện pháp can thiệp kịp thời. Với từng mức độ và nguyên nhân đau mà sẽ có các biện pháp khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp chữa đau lưng giữa đang được áp dụng phổ biến.
Cách xử trí tại nhà khi bị đau lưng giữa
Người bệnh có thể chữa đau lưng giữa tại nhà bằng cách điều chỉnh tư thế làm việc, chế độ dinh dưỡng, thuốc giảm đau,... Cụ thể:
Người bị đau lưng giữa cần điều chỉnh tư thế làm việc
Điều chỉnh cho bản thân một tư thế làm việc đúng là yếu tố quan trọng mà người bệnh cần lưu ý. Điều này giúp hỗ trợ quá trình điều trị và cải thiện các cơn đau lưng giữa hiệu quả. Người bệnh cần tạo thói quen:
- Luôn trong tư thế thẳng lưng, không gù vai.
- Ngồi làm việc ngay ngắn, không ngồi xiêu vẹo.
- Không ngồi lâu hàng giờ, cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị đau lưng giữa
Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp bạn phòng tránh đau lưng giữa cũng như hỗ trợ trong điều trị bệnh. Hãy chú ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi, omega 3, chất xơ và vitamin vào thực đơn của mình. Đồng thời, người bệnh cần kiểm soát cân nặng vì thừa cân béo phì cũng làm tăng áp lực lên cột sống của bạn.
Cá hồi tốt cho người bị đau lưng giữa
Thuốc Tây y giảm đau lưng giữa
Các thuốc giảm đau thường được người bệnh sử dụng vì giúp cắt các cơn đau một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ điều trị triệu chứng và có tác dụng trong thời gian ngắn. Người bệnh cần tránh lạm dụng vì thuốc giảm đau có thể gây tổn hại đến các cơ quan khác như dạ dày, tá tràng, gan…
Những loại thuốc thường hay được sử dụng là:
- Các thuốc giảm đau Paracetamol.
- Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): Piroxicam, Meloxicam,...
- Các thuốc giãn cơ: Eperisone, Tolperisone,...
- Các vitamin thuộc nhóm B: B12, B6, B1,...
>>> XEM THÊM: 3 nhóm đối tượng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp!
Bài tập hỗ trợ cho người bị đau lưng giữa
Các bài tập tại nhà là một phương pháp không thể thiếu cho những người bị đau lưng giữa. Sau đây là các bài tập mà bạn có thể tham khảo:
Bài tập cây cầu:
- Người bệnh nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi cạnh hông - đùi.
- Hai tay đan vào nhau đặt xuống sàn và gập đầu gối, hai chân rộng bằng vai.
- Hít sâu và nâng lưng lên, căng lưng và cổ.
- Giữ nguyên tư thế ít nhất 30 giây, thở chậm đều.
- Từ từ nằm xuống và thư giãn. Thực hiện động tác 3 - 5 lần.
Bài tập vặn người:
- Người bệnh ngồi trên ghế hoặc thảm và bắt chéo chân, đặt tay trái ở đầu gối để làm điểm tựa và vặn thân trên sang bên phải.
- Lặp lại động tác tương tự với phần còn lại của cơ thể.
Bên cạnh đó, các môn thể thao như yoga, bơi lội, đi bộ cũng được các chuyên gia khuyến khích cho người bị đau lưng giữa.
Bài tập vặn người giúp cải thiện tình trạng đau lưng giữa
Massage giảm đau lưng giữa
Massage không chỉ giúp làm giảm cơn đau lưng giữa mà còn tăng sức mạnh cho khớp và cơ bắp. Bên cạnh đó, massage cũng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và khí huyết trong cơ thể. Sau đây là một phương pháp massage đơn giản mà người bệnh có thể thực hiện tại nhà:
- Người bệnh đứng và giữ tư thế thẳng lưng.
- Dùng tay trái dồn áp lực vào vị trí đau mỏi, lấy tay phải xoa bóp các vị trí ở lưng.
- Thực hiện xoa bóp ở mỗi điểm ít nhất 30 phút cho đến khi người bệnh cảm thấy các cơ được thư giãn.
Điều trị đau lưng giữa bằng thảo dược
Hiện nay, nhiều người có xu hướng dùng thảo dược để hỗ trợ và cải thiện tình trạng đau lưng tại nhà. Tiêu biểu có các loại thảo dược sau:
- Vỏ cây liễu: Là loại thảo dược được biết đến từ lâu với tác dụng giảm đau nhức xương khớp. Thành phần salicin trong vỏ cây liễu sau khi vào cơ thể sẽ chuyển thành acid salicylic có tác dụng giúp giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, nó an toàn hơn aspirin (chất có cấu trúc tương tự). Một nghiên cứu của J. Vlachojannis, F. Magora, S. Chrubasik vào năm 2001 cho biết: Salicin trong vỏ cây liễu cho tác dụng giảm đau xương khớp tương tự như aspirin. Sử dụng dịch chiết vỏ cây liễu mỗi ngày giúp giảm tần suất và mức độ các cơn đau lưng. Trái ngược với aspirin tổng hợp, vỏ cây liễu không làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Với liều chiết xuất là 240 mg salicin không có tác động lớn đến quá trình đông máu. Do đó, người bị đau lưng giữa có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng vỏ cây liễu để cải thiện bệnh của mình.
- Huyền hồ sách, tam lăng, sơn đậu căn, tô mộc cũng là những thảo dược có tác dụng giảm đau. Chúng có thể hỗ trợ trong cải thiện các cơn đau lưng giữa hiệu quả.
Vỏ cây liễu giúp giảm đau lưng giữa
>>> XEM THÊM: 4+ cách chữa đau xương khớp bằng thảo dược. Ai cũng nên biết!
Bài viết đã cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích về tình trạng đau lưng giữa. Bên cạnh chế độ sinh hoạt lành mạnh, hãy sử dụng các loại thảo dược để giảm đau lưng một cách an toàn, hiệu quả bạn nhé.
Nếu còn điều gì thắc mắc về tình trạng đau lưng giữa cũng như phương pháp giảm đau bằng thảo dược, xin vui lòng để lại thông tin để được các chuyên gia của chúng tôi giải đáp và tư vấn.
Nguồn:
https://www.healthline.com/health/middle-back-pain
https://www.verywellhealth.com/common-causes-of-back-pain-diagnosis-and-treatment-2548504