Đau đầu là một tình trạng rất phổ biến mà hầu hết mọi người sẽ gặp phải ít nhất một lần trong đời. Nhiều người nghĩ nhức đầu đơn thuần là do căng thẳng, thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt,… Tuy nhiên, đau đầu còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như: Tăng huyết áp, viêm xoang, đột quỵ,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu về chứng đau đầu cũng như cách phòng ngừa và cải thiện bệnh hiệu quả.

Các loại đau đầu thường gặp và cách nhận biết

Mỗi loại đau đầu khác nhau sẽ có những triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị khác nhau. Có tới hơn 150 loại đau đầu nhưng sau đây là 5 loại phổ biến nhất:

  • Đau đầu căng thẳng: Các cơn đau thường âm ỉ kéo dài, không nhói, người bệnh có cảm giác nặng đầu, như bị bóp siết ở vùng đầu. Mức độ đau dao động từ nhẹ đến trung bình và thường đau ở cả hai bên đầu.
  • Đau nửa đầu (migraine): Là các cơn đau xảy ra ở một bên đầu. Chúng thường dữ dội và nặng hơn khi di chuyển, ho, hắt hơi,… Những người bị đau nửa đầu thường kèm theo cảm giác nôn, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. 
  • Đau đầu cụm: Là các cơn đau tập trung theo từng cụm. Cơn đau trở nên dữ dội và đạt đến cực điểm sau khoảng 10 phút. Các triệu chứng đi kèm là chảy nước mắt, ngạt mũi hoặc sổ mũi,… 
  • Đau đầu mạn tính: Là loại đau đầu kéo dài hơn 15 ngày trong một tháng hoặc liên tục trong vòng 3 tháng. Một cơn đau đầu mạn tính có thể ít hoặc nhiều hơn 4 tiếng/lần. 
  • Đau đầu căng cơ: Xảy ra khi các cơ vùng đầu hoặc vùng cổ bị căng ra. Các cơn nhức đầu do căng cơ thường xuất phát từ hai bên đầu và mức độ đau tăng dần theo thời gian.

cac-loai-dau-dau-pho-bien.webp

Các loại đau đầu phổ biến

Top 8 nguyên nhân phổ biến gây đau đầu

Đau đầu là một tình trạng sức khỏe phổ biến nhưng 80% trường hợp đau đầu không rõ nguyên nhân. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến nhất gây đau nhức đầu:

Đau đầu do căng thẳng

Căng thẳng là nguyên nhân gây đau đầu phổ biến nhất ở người lớn và thanh thiếu niên. Căng thẳng xuất phát từ phản ứng của cơ thể với trầm cảm, stress hay tình trạng lo âu kéo dài. Bệnh gặp nhiều ở những người thường xuyên phải đối mặt với áp lực trong công việc, học tập. Các cơn đau đầu do căng thẳng sẽ cải thiện khi người bệnh thư giãn, nghỉ ngơi. 

Đau đầu do thói quen sinh hoạt

Đau đầu cũng có thể là hậu quả của một lối sống thiếu khoa học, chẳng hạn:

  • Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ngủ không ngon giấc.
  • Tư thế làm việc không đúng, ngồi cúi đầu quá lâu.
  • Thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống không đủ dinh dưỡng.
  • Sử dụng nhiều cafein hoặc các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… 

Đau đầu do các bệnh chuyên khoa: Mắt, Tai-mũi-họng

Một số bệnh liên quan đến mắt hay tai-mũi-họng có thể gây đau đầu như:

  • Tăng nhãn áp: Bệnh gây ra các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu kèm theo các triệu chứng như giảm thị lực, đỏ mắt,… 
  • Viêm xoang: Khi bị viêm xoang, người bệnh có thể bị nhức đầu, đau gò má, đau sống mũi,… Sốt, sưng mặt, chảy nước mũi là những triệu chứng thường đi kèm với các cơn đau đầu trong trường hợp này.
  • Đau răng: Khi đau răng, một số trường hợp sẽ bị đau đầu do liên quan tới khớp thái dương hàm.

Tăng huyết áp gây đau đầu

Đau đầu do huyết áp cao thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Các cơn đau thường khu trú ở vùng chẩm hoặc trán, có thể đau lan tới đỉnh đầu. Mức độ đau tùy thuộc vào chỉ số huyết áp và trạng thái tâm lý của người bệnh.

tang-huyet-ap-la-mot-nguyen-nhan-gay-dau-dau.webp

Tăng huyết áp là một nguyên nhân gây đau đầu

Chấn thương gây đau đầu

Cơn đau đầu xảy ra do chấn thương sọ não thường kèm theo biểu hiện nôn mửa, động kinh, thay đổi tri giác. Trong trường hợp này, người bệnh cần được thăm khám kịp thời.

Đau đầu do Covid-19

Đau đầu do Covid-19 có thể xuất hiện khi người bệnh đang hoặc đã từng bị nhiễm virus. Các cơn đau thường xuất hiện ở cả hai bên đầu, dai dẳng và đau từ vừa đến nặng.

Thay đổi hormone gây nhức đầu

Phụ nữ thường bị đau đầu do sự thay đổi nội tiết tố. Kinh nguyệt, mang thai hay sử dụng thuốc tránh thai đều ảnh hưởng đến lượng estrogen có thể gây nhức đầu. 

Đau đầu do các nguyên nhân ở não

Các nguyên nhân ở não gây đau đầu có thể là: U não, viêm màng não, dị dạng mạch máu não,… Đây là các cơn đau đầu nguy hiểm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Đau đầu có nguy hiểm không?

Đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như: U não, tăng huyết áp, viêm màng não,… Các loại đau đầu kéo dài trên ba tháng sẽ khiến não bị tổn thương gây suy giảm trí nhớ thậm chí là sa sút trí tuệ. 

Ngoài ra, nhức đầu thường xuyên có thể khiến người bệnh lo lắng, trầm cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó khi bị đau đầu, người bệnh không nên chủ quan. Thay vào đó, hãy theo dõi và đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau:

  • Cơn đau dữ dội, kèm theo các triệu chứng như sốt, cứng cổ, co giật.
  • Đau nhức đầu kéo dài.
  • Đau đầu kèm theo nhức mỏi mắt.

doi-khi-dau-dau-la-dau-hieu-cua-benh-u-nao.webp

Đôi khi đau đầu là dấu hiệu của bệnh u não

Các phương pháp chẩn đoán đau đầu 

Để chẩn đoán đau đầu do đâu một cách chính xác nhất, bác sĩ sẽ căn cứ vào đặc điểm của cơn đau (cường độ đau, tần suất lặp lại, thời gian mỗi lần đau,…), tiền sử bệnh, các loại thuốc đã hoặc đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành làm các xét nghiệm và thăm khám cần thiết bao gồm:

  • Khám toàn thân: Các cơ quan nội tạng.
  • Khám thần kinh.
  • Khám các chuyên khoa: Tai - mũi - họng, mắt,… 
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm máu, chụp X-quang hộp sọ, X-quang xoang, chụp CT hoặc MRI đầu,… 

Các cách điều trị hiệu quả cho người bị bệnh đau đầu

Các biện pháp chữa đau đầu hiệu quả bao gồm: Dùng thuốc, dùng thảo dược, châm cứu,… Người bệnh có thể tham khảo một vài biện pháp dưới đây:

Cách giảm đau đầu hiệu quả nhanh chóng 

Một số phương pháp giúp người bệnh cắt nhanh cơn đau là: Dùng thuốc, massage và châm cứu.

Dùng thuốc

Khi bị đau đầu, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như: Paracetamol, aspirin, ibuprofen,… 

Nếu cơn đau không thuyên giảm khi người bệnh sử dụng các thuốc trên, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc kê toa: Codein, oxycodone, morphine,… 

Tuy nhiên, sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như: Tổn thương gan, thận, đường tiêu hóa,... Do đó khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

>>> XEM THÊM: Bị đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không? ĐỌC NGAY ĐỂ BIẾT!

Massage

Massage nhẹ nhàng vùng da đầu sẽ giúp người bệnh giảm đau và tạo cảm giác thoải mái, thư giãn. Có thể massage cùng với một số loại tinh dầu để tăng hiệu quả. Người bệnh có thể tham khảo một vài động tác massage giúp giảm đau đầu dưới đây:

  • Sử dụng hai ngón trỏ ấn một lực vừa phải tại hai điểm đối xứng phía dưới lông mày. Tiến hành massage tại hai huyệt này bằng những chuyển động tròn trong vòng một phút.
  • Dùng dụng cụ massage hoặc đầu ngón tay massage xung quanh da đầu bằng những chuyển động hình tròn nhỏ trong vòng 5 phút. 

Châm cứu

Việc châm cứu sẽ giúp giảm tình trạng đau nhức đầu và giải tỏa căng thẳng. Các huyệt thường châm cứu giúp làm giảm cơn đau đầu là: Ấn đường, thái dương, bách hội, đầu duy. Phương pháp này cần thực hiện bởi người có chuyên môn. 

phuong-phap-cham-cuu-giup-giam-dau-dau-hieu-qua.webp

Phương pháp châm cứu giúp giảm đau đầu hiệu quả

Cách chữa đau đầu hiệu quả kéo dài

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp giảm cơn đau đầu kéo dài cho hiệu quả cao như: Điều trị căn nguyên, thay đổi lối sống và sử dụng thảo dược. Cụ thể:

Điều trị căn nguyên gây đau đầu 

Tìm ra căn nguyên gây đau đầu và điều trị nguyên nhân đó là cách chữa đau đầu bền vững, hiệu quả lâu dài. Một số phương pháp đó là:  

  • Giảm căng thẳng, áp lực bằng một chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Nghe nhạc, thiền hay gặp mặt bạn bè người thân.
  • Thăm khám và điều trị các bệnh lý gây đau đầu như: Tăng huyết áp, viêm xoang, đau răng, tăng nhãn áp,… 

Thay đổi lối sống

Một lối sống lành mạnh là vô cùng cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bao gồm:

  • Uống đủ nước: 1,8 - 2 lít/ngày.
  • Ngủ đúng giờ và đủ giấc (7 - 8 tiếng). 
  • Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn.
  • Hạn chế sử dụng cafein, rượu, bia, thuốc lá, các loại đồ uống có ga,… 
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi.
  • Ăn nhiều trái cây và rau xanh. 
  • Tránh nơi có tiếng ồn lớn, ánh sáng mạnh… 
  • Tham khảo tư vấn của bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng thuốc giảm đau.

Giải pháp từ thảo dược

Hiện nay, thay vì dùng thuốc giảm đau nhiều tác dụng phụ, nhiều người chuyển sang dùng các liệu pháp tự nhiên như thảo dược. Dưới đây là một số loại thảo dược giúp cải thiện đau nhức đầu hiệu quả:

  • Vỏ cây liễu: Thành phần chính của vỏ cây liễu là salicin. Chất này sẽ chuyển hóa thành acid salicylic cho tác dụng kìm hãm các thụ thể gây đau. Một nghiên cứu của tác giả J Vlachojannis và các cộng sự vào năm 2011 đã chứng minh: “Cơ chế hoạt động của các thành phần trong vỏ cây liễu rộng hơn aspirin và không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Trái ngược với hoạt chất aspirin tổng hợp, vỏ cây liễu không gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Ở liều chiết xuất chứa 240 mg salicin sẽ không có tác động lớn đến quá trình đông máu.”
  • Sơn đậu căn, huyền hồ sách, tô mộc, tam lăng là những thảo dược đã được biết đến từ lâu với vai trò giảm đau. Những loại thảo dược này có tác dụng chống oxy hóa vỏ bọc thần kinh, giúp vỏ đàn hồi, ngăn ngừa các xung điện bị rò rỉ.

vo-cay-lieu-la-thao-duoc-co-tac-dung-giam-dau-dau-hieu-qua.webp

Vỏ cây liễu là thảo dược có tác dụng giảm đau đầu hiệu quả

Nếu bạn đang tìm một giải pháp để cải thiện tình trạng đau đầu, hãy lựa chọn các loại thảo dược để giảm đau an toàn, hiệu quả. 

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về căn bệnh đau đầu. Hy vọng những thông tin này đã giải đáp được các thắc mắc của bạn. Để được tư vấn trực tiếp từ chuyên gia hãy để lại thông tin của bạn dưới phần bình luận.

Nguồn:

https://www.healthline.com/health/headache

https://www.healthline.com/health/headache/types-of-headaches

https://www.verywellhealth.com/headache-symptoms-1719563

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1124385/