Đau 2 bên thái dương là triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm động mạch thái dương, đau đầu vận mạch, rối loạn khớp thái dương hàm,... Người bị đau 2 bên thái dương cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp để tránh biến chứng nguy hiểm. 

Đau 2 bên thái dương cảnh báo bệnh nguy hiểm gì?

Có nhiều bệnh lý khác nhau gây đau 2 bên thái dương. Dưới đây là một số bệnh thường gặp có thể dẫn đến tình trạng này: 

Bệnh horton

Bệnh horton là tình trạng viêm động mạch lớn của cơ thể. Thông thường, nó ảnh hưởng đến các động mạch ở đầu và phổ biến nhất là động mạch ở thái dương nên còn có tên gọi là bệnh viêm động mạch thái dương. 

dau-2-ben-thai-duong-co-the-la-dau-hieu-cua-benh-horton.webp

Đau 2 bên thái dương có thể là dấu hiệu của bệnh horton

Bệnh horton thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi từ 70 đến 80 và hiếm khi gặp ở những người dưới 50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 2 lần so với nam giới.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh horton bao gồm:

  • Đau đầu dai dẳng, dữ dội, thường ở vùng thái dương.
  • Đau da đầu.
  • Đau hàm khi nhai hoặc há miệng rộng.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm cân.
  • Suy giảm thị lực.
  • Mất thị lực đột ngột ở một bên mắt.

Bệnh đau đầu vận mạch

Đau đầu 2 bên thái dương có thể xuất hiện ở người bị đau đầu vận mạch (đau đầu Migraine). Các triệu chứng khác nhau ở mỗi người, cơn đau theo nhịp mạch đập có thể lan sang cả hai thái dương nhưng thường chỉ xuất hiện ở một bên đầu.

Các triệu chứng khác của bệnh có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi, tinh thần bất ổn, dễ cáu giận trước khi cơn đau bắt đầu.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Sợ ánh sáng hoặc tiếng ồn mạnh.
  • Thị giác bất thường, nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy.
  • Sổ mũi, chảy nước mắt.
  • Cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ 4 - 24 giờ. 

>>> XEM THÊM: Tập thể dục có lợi gì cho người bị đau nửa đầu? Tìm hiểu ngay!

Bệnh đau đầu căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng có thể ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, thường được mô tả là cảm giác có một dải băng quấn chặt quanh đầu, gây khó chịu ở vùng thái dương. 

Một số biểu hiện của đau đầu do căng thẳng bao gồm:

  • Đau âm ỉ, nhức đầu.
  • Cảm giác căng vùng trán hoặc hai bên thái dương và sau đầu.
  • Đau ở da đầu, cơ cổ và vai.

Đau đầu kiểu căng thẳng được chia thành 2 loại chính:

  • Đau đầu căng thẳng từng đợt: Thường kéo dài từ 30 phút - 1 tuần. Nhức đầu căng thẳng từng cơn thường xuyên xảy ra dưới 15 ngày/tháng trong ít nhất 3 tháng. Nếu không được điều trị phù hợp và kịp thời, bệnh có thể trở thành mạn tính.
  • Đau đầu căng thẳng mạn tính: Thường kéo dài nhiều giờ và có thể diễn ra liên tục. Nếu cơn đau đầu xảy ra nhiều hơn 15 ngày/tháng trong ít nhất 3 tháng thì được coi là mạn tính.

dau-dau-cang-thang-co-the-dan-den-dau-nhuc-vung-thai-duong.webp

Đau đầu căng thẳng có thể dẫn đến đau nhức vùng thái dương

Bệnh rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng gây đau nhức do rối loạn chức năng ở khớp và cơ vận động hàm. Một số người chỉ mắc phải tình trạng này trong thời gian ngắn nhưng cũng có người phát triển thành vấn đề lâu dài.

Các triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm bao gồm:

  • Đau và cảm giác áp lực nặng ở vùng thái dương.
  • Cơn đau xuất hiện khi nhai, cười to.
  • Cứng hàm.
  • Thay đổi cấu trúc răng.

Các phương pháp điều trị đau đầu 2 bên thái dương

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau được áp dụng cho người bị đau đầu 2 bên thái dương tùy tình trạng bệnh và thể trạng sức khỏe người mắc. Dưới đây là các lựa chọn trong điều trị đau 2 bên thái dương: 

Sử dụng thuốc

Các nhóm thuốc điều trị đau đầu 2 bên thái dương bao gồm: 

  • Nhóm thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen, aspirin, ibuprofen hoặc naproxen thường được sử dụng để giảm đau tức thì. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này vì uống quá nhiều có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn, gây nhiều tác dụng phụ bất lợi cho cơ thể. 
  • Nhóm thuốc triptans bao gồm eletriptan, naratriptan, rizatriptan,... Người bị đau 2 bên thái dương có thể dùng thuốc này dưới dạng thuốc viên, thuốc tiêm hoặc thuốc xịt mũi.
  • Thuốc chống động kinh như topiramate hoặc valproate được chỉ định trong nhiều trường hợp đau thái dương mạn tính, có tác dụng cải thiện cơn đau và dự phòng tái phát. 

dieu-tri-dau-2-ben-thai-duong-bang-nhieu-loai-thuoc-khac-nhau.webp

Điều trị đau 2 bên thái dương bằng nhiều loại thuốc khác nhau

>>> XEM THÊM: Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm đau. XEM NGAY!

Các biện pháp giảm đau tại nhà

Người bị đau 2 bên thái dương có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để hỗ trợ giảm đau tại nhà: 

  • Chườm lạnh: Nếu bạn bị đau đầu 2 bên thái dương hãy đặt một túi chườm lạnh lên vùng bị đau. Dùng khăn bọc đá viên và chườm lên đầu trong 15 phút.
  • Giảm áp lực lên da đầu: Không cột tóc, đội mũ, quấn băng đô quá chặt có thể khiến cơn đau đầu thái dương trở nên tồi tệ hơn.
  • Giảm ánh sáng: Ánh sáng chói tự nhiên hoặc ánh sáng màn hình máy tính có thể là tác nhân kích hoạt cơn đau đầu. Nếu bạn đang bị đau, hãy chú ý che cửa sổ bằng rèm cản sáng vào ban ngày, đeo kính râm nếu phải đi ra ngoài,... Điều này sẽ giúp cải thiện cơn đau hiệu quả hơn. 
  • Massage: Dành một vài phút xoa bóp, dùng lực nhẹ nhàng, xoay tròn vùng trán, cổ và thái dương có thể giúp giảm đau hiệu quả. 
  • Sử dụng gừng: Nghiên cứu cho thấy, dùng gừng cùng thuốc giảm đau thông thường không kê đơn có thể cải thiện cơn đau nửa đầu hiệu quả. Người bệnh có thể sử dụng dưới dạng trà uống.
  • Sử dụng thảo dược vỏ cây liễu: Chiết xuất vỏ cây liễu đã được sử dụng hàng ngàn năm như một chất chống viêm, hạ sốt và giảm đau. Chất salicin trong vỏ cây liễu hoạt động tương tự như thuốc giảm đau aspirin sau khi đi vào máu của bạn. Do đó, chiết xuất vỏ cây liễu được ứng dụng để cải thiện tình trạng đau đầu và đau thái dương.

cai-thien-tinh-trang-dau-2-ben-thai-duong-bang-thao-duoc-vo-cay-lieu.webp

Cải thiện tình trạng đau 2 bên thái dương bằng thảo dược vỏ cây liễu

Phòng ngừa đau đầu 2 bên thái dương bằng cách nào?

Để ngăn ngừa tình trạng đau đầu 2 bên thái dương cần chú ý những vấn đề sau:

  • Ngủ đủ, chú ý không nên ngủ quá nhiều.
  • Không hút thuốc, tránh nơi có nhiều khói thuốc.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Ăn uống đầy đủ và khoa học.
  • Uống nhiều nước.
  • Hạn chế rượu, cafe và đường.

Đau 2 bên thái dương là dấu hiệu tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện kịp thời. Nếu mắc phải tình trạng này thường xuyên, hãy thăm khám sớm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Bên cạnh đó có thể lựa chọn biện pháp giảm đau an toàn, hiệu quả, phù hợp với bản thân đã được giới thiệu trong bài viết bạn nhé!

Tham khảo:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/hormonal-headaches#what-they-are

https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/whats-that-constant-headache-pain-in-the-temples

https://www.webmd.com/migraines-headaches/temple-headaches